Theo giáo sư Harvey, giá vàng trong tương lai sẽ tiếp tục giảm bởi đây có thể không còn là “con đập” để ngăn chặn cơn lũ lạm phát. Hơn nữa, vàng còn đang phải chịu thách thức khi đối mặt với sức mạnh của tiền điện tử trong thế kỷ tiếp theo.
Cụ thể, cách đây 50 năm trước, vào tối Chủ Nhật – chính xác là ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon lúc bấy giờ đã cắt ngang Bonanza – một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất thời đại đó. Và đưa ra thông báo rằng ông sẽ chấm dứt chế độ chuyển đổi của Hoa Kỳ từ đồng đô la Mỹ sang vàng. Ngay lập tức đã xuất hiện một làn sóng dư luận, nhiều người coi đó là một trong những quyết định có hậu quả nhất mà ông ấy đưa ra.
Cũng vào thời điểm đó, giá trị tiền tệ vốn đang phụ thuộc vào vàng, các ngân hàng trung ương nước ngoài đã có thể chuyển đổi đô la Mỹ thành vàng miếng ở mức giá cố định là 35 USD/ounce. Về lý thuyết, điều này bắt buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tuân thủ nghiêm ngặt, vì việc thổi phồng nguồn cung tiền có thể gây ra tình trạng hỗn loạn tại kho vàng Fort Knox của Hoa Kỳ. Sau đó, lạm phát đã thực sự tăng vọt trong những năm khi Nixon quyết định loại bỏ sự kiềm chế đó. Giá vàng cũng từ đó mà tăng lên, cao gấp 50 lần thời điểm đó.
Từ mối tương quan rõ ràng giữa giá vàng và lạm phát đã khiến nhiều người tin rằng vàng là một trong những “con đập” ngăn chặn cơn lũ lạm phát hiệu quả nhất. Tuy nhiên, những con số đang phản ánh trái chiều với niềm tin này. Nếu vàng là một hàng rào phòng ngừa lạm phát tốt, thì tỷ lệ giữa giá vàng và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tương đối ổn định trong những năm qua. Nhưng điều đó đã không xảy ra, mà ngược lại trong 50 năm qua, tỷ lệ này đã dao động từ mức thấp là 1,0 đến mức cao là 8,4 điểm.
Theo nghiên cứu của giáo sư Đại học Duke – Campbell Harvey và Claude Erb – cựu giám đốc danh mục đầu tư hàng hóa tại TCW Group, vàng chỉ là một biện pháp bảo vệ lạm phát tốt trong thời gian dài hạn so với kế hoạch đầu tư của chúng ta. Họ phát hiện ra rằng, chỉ khi được đo lường trong khoảng thời gian rất dài tầm một thế kỷ trở lên, thì vàng mới thành công trong việc duy trì sức mua của nó. Còn trong thời gian ngắn hạn, giá thực của vàng đã được điều chỉnh theo lạm phát, biến động của nó cũng tương đương các tài sản khác.

Giáo sư Harvey đã nói rằng, ngày nay vai trò là một hàng rào chống lạm phát của vàng đang bị yếu ớt dần, bởi vì giá vàng hiện tại đang rất đắt so với quá khứ. Ví dụ, tỷ lệ vàng trên CPI hiện tại là 6,5 điểm gần gấp đôi mức trung bình trong 50 năm trước là 3,6 điểm.
Tỷ suất sinh lời của vàng còn kém hơn trái phiếu và chứng khoán
Mặc dù giá vàng cao gấp 50 lần so với năm 1971, nhưng thị trường chứng khoán thậm chí còn hoạt động tốt hơn. Cụ thể, S&P 500 đã tạo ra lợi nhuận là 11,2%/năm kể từ tháng 8/1971, giả sử cổ tức được tái đầu tư trong quá trình này. Còn tỷ suất sinh lời của vàng cùng kỳ khoảng 8,2%/năm.

Hơn nữa, lý do duy nhất khiến tỷ suất sinh lời của vàng gần với mức của thị trường chứng khoán hơn 50 năm qua, vì sau quyết định thỏa thuận mới của Tổng thống Nixon, tỷ suất sinh lời của vàng đã bật dậy, tăng mạnh trong thập kỷ đầu tiên. Nhưng nếu bỏ qua thập kỷ đó, thì tỷ suất sinh lời của vàng đã tụt hậu so với cả trái phiếu Kho bạc có kỳ hạn. Trong 40 năm sau đó, vàng đã tăng với tỷ lệ 3,6%/năm, so với S&P 500 là 12,2%/năm và trái phiếu Kho bạc là 8,2%/năm.
Nhưng điều này không có nghĩa là vàng không có vai trò trong việc đa dạng danh mục đầu tư, ngay cả khi giả định rằng dữ liệu tương lai sẽ giống với quá khứ. Bởi vì thực tế cho thấy những rủi ro về lợi nhuận của vàng đối với cổ phiếu và trái phiếu khá thấp, sự hiện diện của vàng trong danh mục đầu tư có thể làm giảm sự biến động. Trong 50 năm qua, danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu đã có phần cải thiện về hiệu suất, giảm thiểu rủi ro bằng cách phân bổ một khoản tiền vào vàng – khoảng 5% hoặc hơn.
Tuy nhiên, tiềm năng giảm biến động của vàng cũng không được đảm bảo, vì mối tương quan của vàng với cổ phiếu đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Trên thực tế, đã có những trường hợp mà mối tương quan của vàng với thị trường chứng khoán có dấu hiệu tích cực, nhưng điều này hoàn toàn ngược lại với những gì phải làm để giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư. Dẫn chứng là thời gian gần đây đã xảy ra điều đó, khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào tháng 2 và tháng 3 năm ngoái, theo thống kê quỹ ETF VanEck Vectors Gold Miners, cổ phiếu khai thác vàng giảm 39%, thậm chí hơn mức giảm 34% của S&P 500.
Từ đó, giáo sư Harvey đã đặt ra nghi vấn rằng: “Đó là loại hình trú ẩn an toàn nào?
Những chuyển biến trong 50 năm tới
Trước mối tương quan không nhất quán giữa vàng đối với chứng khoán và lạm phát gây khó khăn cho việc dự đoán nó sẽ hoạt động như thế nào trong 50 năm tới. Theo Giáo sư Harvey, một điểm đặc biệt khác là vàng hiện phải đối mặt với “sự cạnh tranh chưa từng có trước đây” dưới sự ra đời của tiền điện tử.
Tuy nhiên, trong những năm tới vàng sẽ cho tín hiệu khả quan vì chúng có thể bảo vệ lạm phát ổn định hơn. Nhưng bằng chứng cho dự báo này được tìm kiếm ở nơi khác chứ không nằm ở dữ liệu trong lịch sử. Tuy nhiên, ông Erb tỏ ra hoài nghi rằng liệu điều này có gây ra nhiều trở ngại cho những tín đồ thực sự ưa thích giao dịch vàng hay không. Ông nhấn mạnh: “Dữ liệu quá khứ luôn có thể bị gạt sang một bên nếu nhà đầu tư hy vọng vàng và lạm phát có thể biến động song song trong tương lai”.
Nguồn: WSJ